5 dấu hiệu nhận biết viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai
Mang thai là giai đoạn nhạy cảm đối với sức khỏe của phụ nữ, đặc biệt là các vấn đề phụ khoa. Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mẹ bầu bị viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe của mẹ mà còn đến sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai là vô cùng quan trọng để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh.
Nguyên nhân gây viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai
Trong thời kỳ mang thai, nội tiết tố của cơ thể phụ nữ có nhiều biến đổi, từ đó dẫn đến nhiều nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa như:
- Sự thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai, hormone estrogen tăng cao, làm thay đổi môi trường pH âm đạo. Bình thường pH âm đạo sẽ hơi acid (3,8 – 4,5), đây là môi trường thuận lợi để lợi khuẩn phát triển và ngăn ngừa vi khuẩn có hại. Khi pH thay đổi, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển, gây viêm nhiễm.
- Hệ miễn dịch suy giảm: Cơ thể phụ nữ khi mang thai thường suy giảm sức đề kháng, từ đó làm giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh, khiến cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng dễ dàng xâm nhập, phát triển và gây viêm nhiễm âm đạo.
- Sự tăng dịch tiết âm đạo: Trong thai kỳ, thay đổi nội tiết tố khiến nồng độ pH âm đạo thay đổi, cơ thể tăng tiết dịch khiến vùng kín trở nên ẩm ướt hơn. Nếu không được kiểm soát tốt, vệ sinh đúng cách nó có thể trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn, nấm gây hại phát triển nên dễ bị các bệnh phụ khoa.
Biểu hiện viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai
Khí hư bất thường
Khí hư bất thường là một trong những dấu hiệu trực quan nhất giúp nhận biết viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai. Mặc dù khí hư có thể do thay đổi hormone nhưng phụ nữ khi mang thai cũng cần phải lưu ý khi khí hư có một trong những dấu hiệu sau:
- Màu sắc thay đổi: Khí hư có màu trắng đục, vàng, xanh lá hoặc xám.
- Mùi hôi bất thường: Khí hư có mùi hôi tanh khó chịu, đặc biệt sau khi quan hệ tình dục.
- Kết cấu khác thường: Khí hư có kết cấu dày, vón cục hoặc có bọt.
Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng như viêm âm đạo do vi khuẩn, nấm Candida, hoặc nhiễm Trichomonas ở phụ nữ mang bầu
Ngứa ngáy, đau rát vùng âm đạo
Ngoài nhận biết viêm âm đạo qua khí hư thì việc ngứa ngáy, đau rát vùng kín cũng là một trong những biểu hiện của mẹ bầu viêm nhiễm phụ khoa. Đây là dấu hiệu đặc trưng của việc nhiễm nấm Candida.
Có người chỉ ngứa âm ỉ, râm ran nhẹ, có người ngứa ở 2 bên mép ở âm đạo, một số mẹ bầu khác lại rất ngứa, rất đau rát. Điều này gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mẹ bầu, đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ khi bụng bầu to nhất và đi kèm nhiều bất tiện khác.
Đau khi quan hệ tình dục
Nếu như bị đau rát khi quan hệ tình dục trong thời kỳ mang thai thì tỷ lệ cao là người phụ nữ đã bị viêm âm đạo. Khi phụ nữ mang thai bị viêm nhiễm phụ khoa, vùng âm đạo của phụ nữ sẽ bị tổn thương, trở nên nhạy cảm vì vậy việc quan hệ sẽ rất đau rát, khó chịu hoặc chảy máu nhẹ, đặc biệt là đối với với phụ nữ đang mang bầu. Điều này sẽ tác động lớn đến cuộc sống sinh hoạt vợ chồng cũng như sức khỏe vả về thể chất và tinh thần của phụ nữ mang thai
Đau khi tiểu tiện
Tình trạng tiểu buốt, tiểu rát, nóng bỏng là một trong những biểu hiện khá nặng của tình trạng viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ mang thai. Khi này, các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn BV, trùng roi Trichomonas hay nấm Candida,… đã lan rộng tới vùng niệu đạo và gây tổn thương vùng này.
Vùng kín sưng đỏ
Khi vùng kín xuất hiện các dấu hiệu như sưng đỏ, nóng rát thì đây là biểu hiện viêm âm đạo do do nấm Candida hoặc trùng roi Trichomonas gây ra. Đặc biệt, với trùng roi, vùng kín có thể bị xuất huyết và được ví với hình ảnh “trái dâu tây”. Đi kèm với việc sưng đỏ và đau rát vùng kín thì phụ nữ mang thai lúc này cũng sẽ gặp các tính trạng có khí hư bất thường, ngứa ngáy vùng âm đạo, đau khi quan hệ và đau khi tiểu tiện. Khi xuất hiện những triệu chứng này thì phụ nữ mang thai cân đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai có nguy hiểm không?
Không chỉ ảnh hưởng tới mẹ, mang thai mà bị viêm nhiễm phụ khoa còn mang tới rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho thai nhi.
- Nguy cơ sinh non: Viêm nhiễm phụ khoa, đặc biệt là nhiễm vi khuẩn và nấm, có thể gây ra các cơn co thắt tử cung, tăng nguy cơ sinh non.
- Nhiễm trùng ối: Viêm nhiễm nếu không được điều trị có thể lây lan lên tử cung, gây nhiễm trùng ối, ảnh hưởng đến thai nhi.
- Thai nhi bị nhiễm trùng: Trong trường hợp mẹ nhiễm nấm Candida, vi khuẩn hoặc Trichomonas, em bé có thể bị nhiễm trùng trong quá trình sinh thường.
Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé thì các bà bầu cần nên lưu ý trước các dấu hiệu của viêm nhiễm phụ khoa để có thể phòng ngừa từ sớm.
Cách phòng ngừa và điều trị viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai
Giữ vệ sinh vùng kín đúng cách
- Sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp: Chọn sản phẩm có độ pH cân bằng, dịu nhẹ, không gây kích ứng. Một số phụ nữ hay có thói quen vệ sinh vùng kín hàng ngày bằng nước muối tự pha, mà không biết rằng nước muối là một môi trường không phù hợp với âm đạo, làm thay đổi pH, dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm.
- Thay quần lót thường xuyên: Sử dụng quần lót làm từ chất liệu cotton thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt và thay quần lót ít nhất 2 lần mỗi ngày. Tránh mặc quần lót hoặc quần tất bó sát, ôm chặt cơ thể.
- Không thụt rửa âm đạo: Thụt rửa có thể làm phá vỡ sự cân bằng tự nhiên ở âm đạo gây kích ứng và tăng nguy cơ viêm nhiễm. Tránh sử dụng các loại thuốc xịt thơm âm đạo.
Chế độ ăn uống lành mạnh
- Bổ sung lợi khuẩn: Thực phẩm giàu lợi khuẩn như sữa chua không đường giúp duy trì hệ vi sinh vật cân bằng trong âm đạo.
- Tránh thức ăn có đường: Đường là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm phát triển, vì vậy nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường.
Sử dụng sản phẩm hỗ trợ an toàn
Việc sử dụng các sản phẩm viên đặt âm đạo an toàn, dành riêng cho phụ nữ mang thai, có thể giúp giảm triệu chứng ngứa ngáy và khí hư bất thường. Các sản phẩm này giúp cân bằng pH âm đạo, ngăn ngừa vi khuẩn và nấm phát triển.
Lưu ý: Trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào, phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Một vài cách phòng ngừa khác
- Kiểm soát tốt lượng đường trong máu trong trường hợp mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ
- Nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, thực hiện đời sống chung thủy một vợ một chồng
- Chăm sóc và theo dõi thai kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, thực hiện đầy của các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện sớm các tình trạng viêm âm đạo khi mang thai nếu có và xử lý kịp thời tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nếu bạn gặp phải các triệu chứng dưới đây, hãy đến gặp bác sĩ ngay:
- Khí hư có lẫn máu hoặc có mùi hôi nặng.
- Đau bụng dưới, kèm theo co thắt tử cung.
- Sốt cao hoặc cảm giác mệt mỏi nghiêm trọng.
- Tiểu buốt, tiểu rát kéo dài không giảm.
Việc thăm khám sớm sẽ giúp bạn được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Bị viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai là vấn đề không nên chủ quan vì nó có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường, duy trì vệ sinh vùng kín đúng cách và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bảo vệ sức khỏe trong suốt thai kỳ. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ viêm nhiễm, hãy nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.